Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, ngành Hàng hải đóng vai trò quan trọng, trong đó cảng biển là hạt nhân phát triển, là đầu mối tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và lưu thông tới mọi miền đất nước. Vận tải biển hiện đảm nhiệm tới 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và một phần hàng hóa tới các vùng miền, là huyết mạch chính trong hệ thống vận chuyển, phân phối hàng hóa của nền kinh tế.
Xác định được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển biển nhằm tận dụng lợi thế, khai thác tối đa tiềm năng của biển để phục vụ cho sự phát triển của đất nước, ngày 9/02/2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, trên cơ sở phát huy tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả với tầm nhìn dài hạn, với mục tiêu và định hướng cụ thể:
– Xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học – công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh, làm cho đất nước giàu mạnh từ biển, bảo vệ môi trường biển;
– Thực hiện phát triển, đột phá, phấn đấu đưa kinh tế hàng hải đứng thứ hai vào năm 2020 (sau khai thác, chế biến dầu, khí) và đứng thứ nhất sau năm 2020;
– Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 – 55% tổng GDP cả nước;
– Thu nhập bình quân đầu người vùng ven biển cao gấp 02 lần so với thu nhập bình quân cả nước;
– Xây dựng một số khu kinh tế mạnh ở các vùng ven biển;
– Phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm khu vực; xây dựng đồng bộ hệ thống cảng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt chú trọng các cảng nước sâu ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, tạo những cửa mở lớn vươn ra biển thông với quốc tế;
– Phát triển công nghiệp đóng tàu; tập trung xây dựng đội tàu vận tải biển và dịch vụ hàng hải;
– Sớm hoàn chỉnh, khai thác có hiệu quả hệ thống sân bay ven biển, xây dựng tuyến đường ven biển và đường cao tốc Bắc – Nam trên biển;
– Xây dựng hệ thống cung cấp điện, nước ngọt bảo đảm cho quá trình phát triển kinh tế biển và phục vụ sinh hoạt của dân cư ven biển, trên biển và các đảo;
– Xây dựng hệ thống thông tin, quan sát biển, hình thành hệ thống nghiên cứu và dự báo về biển có trọng tâm, trọng điểm theo lĩnh vực và theo vùng;
– Xây dựng cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển, có hiệu lực, hiệu quả.
Để phát triển kinh tế biển theo đúng định hướng, mục tiêu, kế hoạch của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 mà Đảng, Chính phủ đã đề ra, những năm qua, ngành Hàng hải đã tích cực thực hiện và có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam, điều đó được minh chứng qua những công việc dưới đây:
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hàng hải và tham gia các điều ước quốc tế
Hàng hải có tính quốc tế hóa cao, với nhiều hoạt động phức tạp liên quan đến con người, tàu thuyền, cảng biển, hàng hóa, môi trường cả trong nước và quốc tế. Tranh chấp hàng hải thường liên quan đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này đòi hỏi hệ thống pháp luật chuyên ngành hàng hải của mỗi quốc gia phải được xây dựng hoàn thiện, bảo đảm điều chỉnh tất cả các hoạt động trong lĩnh vực hàng hải cũng như phải phù hợp với các quy định của công ước và thông lệ quốc tế. Để đáp ứng yêu cầu đó và phục vụ phát triển kinh tế biển, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hàng hải của Việt Nam đã được quan tâm, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung kịp thời. Ngành Hàng hải đã hoàn thành việc nghiên cứu, đề xuất Bộ GTVT, Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Bộ luật Hàng hải Việt Nam với các nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tế hoạt động của ngành Hàng hải và điều ước, thông lệ quốc tế, được Quốc hội thông qua năm 2015; tích cực xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của bộ trưởng hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
Mặt khác, để hỗ trợ cho sự phát triển và hội nhập với thế giới, ngành Hàng hải đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ gia nhập 26 Công ước, Hiệp định quốc tế và các nghị định thư, ký kết 26 Hiệp định hàng hải song phương và 27 Thỏa thuận về công nhận chứng chỉ chuyên môn với các quốc gia trong khu vực và thế giới; là thành viên của các tổ chức quốc tế có vai trò quan trọng trong lĩnh vực hàng hải thế giới như Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Hiệp hội các cơ quan Quản lý hỗ trợ Hàng hải và Hải đăng quốc tế (IALA), Tổ chức Vệ tinh hàng hải quốc tế (INMARSAT).Xây dựng chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển ngành Hàng hải.
Xây dựng chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển ngành Hàng hải
Để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế hàng hải, một thành phần trong phát triển kinh tế biển, việc đề ra chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển cho Ngành trong từng thời kỳ đóng vai trò hết sức quan trọng và được lãnh đạo Ngành quan tâm thực hiện. Cho đến nay, ngành Hàng hải đã xây dựng và được cấp có thẩm quyền ban hành các quy hoạch, chính sách, đề án chuyên ngành như:
– Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, gồm 6 nhóm cảng biển với mục tiêu bảo đảm thông qua toàn bộ lượng hàng xuất nhập khẩu và giao lưu giữa các vùng, miền trong nước bằng đường biển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước với năng lực thông qua theo quy hoạch của hệ thống cảng biển tại các thời điểm cụ thể: Đạt từ 640 đến 680 triệu tấn/năm (trong đó hàng tổng hợp, container từ 375 đến 400 triệu tấn/năm) vào năm 2020; đạt từ 1.040 đến 1.160 triệu tấn/năm (trong đó hàng tổng hợp, container từ 630 đến 715 triệu tấn/năm) vào năm 2030; tập trung xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế tại Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có khả năng tiếp nhận được tàu trọng tải đến 100.000 DWT, tàu container đến 8.000 TEU hoặc lớn hơn; đủ năng lực để có thể kết hợp vai trò trung chuyển container quốc tế; xây dựng các cảng chuyên dùng quy mô lớn cho các liên hợp luyện kim, lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện sử dụng than;
+ Phát triển giao thông hàng hải theo hướng hiện đại, bền vững, hiệu quả và gắn với bảo vệ môi trường, phát huy tiềm năng, thế mạnh của đất nước;
+ Phát triển thị trường vận tải biển bảo đảm khả năng hỗ trợ cho vận tải đường bộ, đường sắt và đường hàng không; nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế;
+ Xây dựng hệ thống kết cấu giao thông hàng hải đồng bộ, hiện đại, trên cơ sở sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư, ưu tiên các công trình trung chuyển quốc tế, công trình trọng điểm có tính lan tỏa, bảo đảm kết nối các phương thức vận tải, các trung tâm kinh tế lớn; tăng cường công tác bảo trì các công trình hiện có để nâng cao năng lực thông qua;
+ Nâng cao hiệu quả, cải thiện năng lực sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành Hàng hải thông qua việc củng cố phát triển các doanh nghiệp nắm giữ các khâu then chốt, huyết mạch;
+ Tăng cường vai trò quản lý nhà nước, đổi mới thể chế chính sách tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, rào cản, tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải;
+ Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong xây dựng phát triển và quản lý ngành Hàng hải; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng nâng cao năng lực hoạch định chính sách, dự báo, tổ chức quản lý đầu tư phát triển, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải và quản lý vận tải biển.
Ngoài các quy hoạch nêu trên, ngành Hàng hải cũng đã xây dựng các chính sách, đề án phát triển Ngành như: Đề án đầu tư kết nối hệ thống cảng biển với hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa; Đề án đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hàng hải; chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân cho thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài; Quy hoạch phát triển hệ thống Đài Thông tin Duyên hải và công nghệ thông tin ngành Hàng hải đến 2020, định hướng sau 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu thủy đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Dịch vụ đóng mới và sửa chữa tàu sau thời gian triển khai thực hiện tái cơ cấu nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp, đến nay về cơ bản đã có định hướng sản xuất tiếp cận thị trường, chủ yếu là sửa chữa tàu biển và đóng mới gam tàu vừa và nhỏ như tàu hàng khô đến 20.000 DWT, tàu container đến 3.000 TEUS, tàu dầu 50.000 DWT, tàu phục vụ khai thác dầu khí, tàu đánh bắt thủy sản, tàu du lịch và vận tải hành khách…
Dịch vụ hàng hải cũng đã được chú trọng phát triển trong phạm vi cả nước, các dịch vụ như hoa tiêu, lai dắt, đại lý, cung ứng tàu biển đã đáp ứng tốt cho hoạt động hàng hải; các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và ngày càng phát triển. Dịch vụ logistics tuy là loại hình dịch vụ mới nhưng đang được hỗ trợ phát triển mạnh tại Việt Nam. Hiện Việt Nam có trên 1.300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, tham gia nhiều khâu trong chuỗi dịch vụ toàn cầu với mức tăng trưởng bình quân 20%/năm, đang từng bước tham gia tích cực vào chuỗi dịch vụ toàn cầu và nắm vai trò quan trọng phát triển dịch vụ hàng hải.
Với việc duy trì và phát triển các hệ thống, dịch vụ nêu trên đã góp phần tích cực bảo đảm an toàn cho hoạt động của tàu thuyền trên biển, quyền tự do hành hải trên biển Đông; thực hiện tốt nghĩa vụ tìm kiếm cứu nạn của quốc gia ven biển và góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển.
Thế kỷ XXI là “Thế kỷ của đại dương”, cùng với những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ và sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp, con người đã từng bước làm chủ thiên nhiên, làm chủ biển cả, các hoạt động, dịch vụ khai thác tiềm năng của biển không ngừng ra đời và phát triển. Việc xây dựng và phát triển kinh tế biển đã trở thành nhiệm vụ, chiến lược trọng tâm hàng đầu của mỗi quốc gia có biển. Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam nhằm vươn ra biển, khai thác tiềm năng của biển phục vụ phát triển đất nước là chiến lược đúng đắn, sâu sắc, thể hiện tầm nhìn vĩ mô của Đảng và Chính phủ ngay từ những năm đầu của thế kỷ.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế biển, ngành Hàng hải đóng vai trò rất quan trọng, là huyết mạch chính trong hệ thống lưu thông hàng hóa trong nước và quốc tế, đồng thời là hạt nhân, đầu mối phát triển kinh tế – xã hội tại các khu vực; là cửa ngõ thông thương, giao lưu văn hóa với các nước và là cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Ý thức sâu sắc vai trò, trọng trách của mình, ngành Hàng hải đã và đang quyết tâm, nỗ lực xây dựng và phát triển, hỗ trợ tối đa, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam.