In High Tide Or Low Tide We Always Be By Yourside
Hotline: 0909666746
Email: cosophuchung@gmail.com
Chi phí tăng
Thống kê từ Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, nửa đầu năm 2019, ngành vận tải biển Việt Nam vận chuyển hơn 81 triệu tấn hàng hóa, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, lưu lượng hàng hóa thông quan tại các cảng biển Việt Nam đạt 308,8 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ 1018.
Theo IMO, thách thức lớn nhất cho DN vận tải biển Việt Nam khi áp dụng quy định giới hạn lưu huỳnh oxit là chi phí vận hành và quản lý sẽ tăng do chi phí nhiên liệu tăng. Ông Simon Neo - Giám đốc Điều hành SDE International cho biết: “Quy định này có thể làm tăng chi phí nhiên liệu lên đến 50%. Nếu theo dõi bảng giá nhiên liệu trên các sàn giao dịch dầu khí, sẽ thấy giá thành loại nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao là 241,6 USD/tấn, trong khi giá thành nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp là 551 USD/tấn. Những quy định này sẽ ảnh hưởng đáng kể tới các DN hoạt động trong ngành hàng hải cũng như các DN xuất nhập khẩu.
Ông Simon Neo cho biết thêm: “Để chuẩn bị cho việc thực thi quy định của IMO, các tàu trong khu vực đang được lắp đặt máy lọc khí thải. Tuy nhiên, phần đông các cảng lớn, trừ Nhật Bản, không cho phép máy lọc vòng hoạt động trong vùng lãnh hải của họ. Và các tàu sử dụng hệ thống lọc vòng kín hoặc hệ thống lọc hỗn hợp cũng sẽ gặp phải một số vấn đề với việc xử lý chất thải do máy lọc tạo ra, bởi không có nhiều quốc gia sẵn sàng tiếp nhận chất thải này để xử lý an toàn.”
Ông Simon Neo khẳng định: “Nếu muốn hoạt động ngoài vùng lãnh thổ Việt Nam, các chủ tàu phải tuân thủ quy định giới hạn lưu huỳnh của IMO, đồng nghĩa với việc phải có một số thay đổi, ví dụ như thay đổi kết cấu động cơ, hoặc sử dụng loại dầu nhờn phù hợp, để khi đốt nhiên liệu đạt chuẩn thì động cơ được cung cấp đủ chất bôi trơn.
Đưa ra giải pháp cho các chủ tàu, ông Chris Chatterton - Giám đốc Điều hành Viện Methanol chia sẻ: “Chi phí nhiên liệu là chi phí lớn nhất đối với chủ tàu. Methanol có hiệu suất năng lượng thấp hơn các loại nhiên liệu khác, vì vậy, sử dụng nhiên liệu này sẽ phải đốt nhiều gấp đôi. Tuy nhiên, theo tính toán thì dùng methanol chi phí thấp hơn 10-15% so với các loại nhiên liệu truyền thống. Bên cạnh đó, với hàm lượng lưu huỳnh bằng 0 và nếu tính đến khả năng gây ô nhiễm thì methanol giúp giảm 80% lượng khí thải so với các loại nhiên liệu truyền thống”.
Theo ông Trương Quốc Minh - đại diện Công ty Weichai, Weichai đã cung cấp 70.000 động cơ sử dụng công nghệ SCR cho ngành hàng hải, xe buýt máy phát điện. Đến năm 2024, nếu tất cả phương tiện vận tải sử dụng động cơ công nghệ SCR thì lượng khí thải độc hại giảm còn 0%.
Đội tàu lạc hậu
Không chỉ gặp thách thức về quy định khí thải, ngành vận tải biển Việt Nam còn phải đối mặt với khó khăn về đội tàu lạc hậu. Cuối năm 2018, Cục Hàng hải Việt Nam đã kêu gọi các chủ tàu và những bên liên quan đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực hàng hải. Tuy nhiên, việc thay đổi còn rất chậm vì thiếu vốn.
Ông Bùi Văn Trung - Tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cho biết, đội tàu Việt Nam chủ yếu tàu cũ, lạc hậu, trong đó có rất nhiều tàu có tuổi đời từ 15 năm trở lên. Hiện đội tàu Việt Nam đang sụt giảm về số lượng, từ 1.600 trong năm 2018 xuống còn 1.568 hiện tại. Chính vì vậy, phải đối mặt với rất nhiều bất lợi từ những tàu nước ngoài mới và hiện đại hơn. Mặc dù hiện đại hóa là bắt buộc để tồn tại, nhưng nó cũng là một thách thức lớn đối với các công ty vận tải biển vốn phải đối mặt với lợi nhuận thấp và khó khăn trong việc huy động vốn. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nhân lực hàng hải lành nghề cũng là một vấn đề nan giải đối với các chủ tàu.
Theo PGS. Okan Duru - Giám đốc Nghiên cứu hàng hải, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), số hóa đang là khoản đầu tư không thể thiếu để sinh tồn. Nếu các chủ tàu và nhà khai thác không thể thích ứng với việc chuyển đổi số, trước sau cũng bị xóa sổ bởi nền công nghiệp 5.0. Trong nhiều giải pháp số hóa, tự động hóa ship 5.0 (tự động hóa vận hành tàu) sẽ thay đổi đáng kể hệ sinh thái hàng hải.
Ông Nguyễn Vũ Hải - Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho rằng: “Bên cạnh việc tập trung vào các giải pháp phần cứng như thiết kế hoặc sửa đổi tàu, làm sạch két chứa nhiên liệu, thay đổi nguồn nhiên liệu thì chủ tàu cần phải nỗ lực đầu tư công nghệ, dù vậy, việc đào tạo thuyền viên cũng không thể lơ là. Bởi đào tạo giúp các thuyền viên thay đổi nhận thức, hiểu rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cũng như tuân thủ các quy định mới được áp dụng từ đầu năm 2020”.